Thứ Tư, 21 tháng 12, 2016

Xăng tăng mạnh nhất năm, thị trường hàng Tết được đà thổi giá?

Tăng 900 đồng/lít vào ngày 20/12, mức tăng cao nhất của giá xăng Việt Nam kể từ đầu năm tới nay. Việc tăng giá xăng dầu dịp cận Tết khiến nhiều người lo ngại sẽ “thổi” giá các loại hàng hóa, dịch vụ có đầu vào là xăng dầu tăng theo.
Trên thực tế, giá cả hàng hóa vẫn khá ổn định, tính đến thời điểm này. Trao đổi với PV.VietNamNet, bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc Cty CP Nhất Nam - doanh nghiệp sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart, cho biết, hiện giá hàng hóa phục vụ dịp Tết vẫn tương đối ổn định, chưa có dấu hiệu biến động khi giá xăng vừa điều chính tăng mạnh

Theo bà Hậu, nhu cầu mua sắm hàng Tết năm nay dự kiến sẽ tăng từ 10-20% so với cùng kỳ, đặc biệt là các mặt hàng tươi sống có thể tăng tới 30%. Song, phía siêu thị Fivimart vẫn giữ mức giá ổn định như ngày thường. 

Tương tự, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc SaigonFood, cũng cho hay, công ty sẽ tiếp tục giữ giá các mặt hàng Tết như ngày thường mặc dù giá xăng đã tăng nhiều đợt. Song, theo bà Lâm, lần điều chỉ giá xăng tăng đến gần 1.000 đồng/lít có thể sẽ khiến người kinh doanh tăng giá hàng hóa và làm thị trường biến động.
Trong khi đó, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội lại khẳng định hàng hóa Tết vẫn tăng mạnh dù giá xăng dầu không tăng.
Theo ông Phú, giá xăng dầu tăng mạnh chắc chắn sẽ tác động đến giá cả thị trường, nhưng thường phải sau khoảng 15 ngày mới thấy được sự tác động đó. Lần tăng giá xăng này cũng không phải ngoại lệ, nó sẽ kéo giá hàng hóa tăng lên khoảng 4-5% dù giá xăng dầu chỉ chiếm 20% giá thành sản xuất.
Tuy nhiên, ông Phú cũng cho rằng, giá xăng chỉ là một phần tác động rất nhỏ tới giá hàng hóa. Bởi, cả mấy chục năm nay, cứ đến thời điểm giáp Tết năm nào cũng vậy, các mặt hàng Tết đều đua nhau tăng giá. Cụ thể, với hàng hóa bánh kẹo, bia rượu được điều phối bởi các doanh nghiệp sản xuất lớn thì giá chỉ tăng vài phần trăm so với ngày thường.
Riêng các mặt hàng điều vị (mặt hàng tươi sống như thịt, cá, giò, chả, thủy sản, hoa quả,... ) giá đều tăng từ 15-30%.
“Những mặt hàng này phụ thuộc vào thời tiết mùa vụ, phụ thuộc vào nguồn cung. Cầu nhiều mà cung khan hiếm thì giá sẽ tăng cao ngất ngưởng và ngược lại”, ông Phú nói. Tết năm ngoái, thành phố Hà Nội nói có hơn 30.000 tấn rau xanh để bình ổn thị trường nhưng đến cuối cùng rau xanh vẫn tăng giá gấp 4 lần, thịt cá cũng đua nhau tăng mạnh.
Theo ghi nhận, trên thị trường, giá cả các loại hàng hóa thời điểm hiện tại vẫn tương đối ổn định. Song, tiểu thương tại hầu hết các chợ đều khẳng định, sang tới thời điểm nửa cuối tháng 12 âm lịch hàng hóa sẽ đồng loạt tăng. Còn tăng ở mức độ nào thị phụ thuộc vào mỗi mặt hàng.
Đơn cử như: mặt hàng thịt lợn giá thường tăng từ 5.000-10.000 đồng/kg, thủy sản, thịt giá cầm tăng từ 20.000-30.000 đồng/kg tùy loại, hoa quả các loại tăng từ 10.000-20.000 đồng/kg, cá biệt có mặt hàng chuối xanh, hoa tươi sẽ tăng giá mạnh, thậm chí sẽ tăng giá gấp đôi.
Đại diện các DN vận tải cho biêt giá xăng tăng thì cước vận tải cũng chưa tăng ngay được. Trao đổi với báo chí, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, nhận xét, giá xăng tăng song việc điều chỉnh giá cước cần phải xem xét trên nhiều khía cạnh.
Vị này cho rằng, để quyết định tăng giá hay không, doanh nghiệp phải cộng các đợt tăng giá trong năm rồi trừ đi các đợt giảm giá, từ đó đưa ra con số chính xác giá xăng đã tăng, giảm bao nhiêu phần trăm. Sau đó, họ mới đưa ra quyết định điều chỉnh giá cước được. “Không phải xăng tăng là doanh nghiệp lập tức tăng giá cước vận tải ngay” - ông Bình khẳng định.
Đại diện Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, giá xăng tăng ngày 20/12 không ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng của tháng 12 do đã ở cuối kỳ chốt chỉ số tính giá. Cho nên, nếu có tác động thì giá xăng sẽ tác động đến chỉ số giá cả hàng hóa tháng 1/2017.
B.Hân - L.Bằng

Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2016

Vì sao nông sản Việt vẫn chưa được gọi tên trên thị trường thế giới?

Việt Nam là quốc gia có tiềm năng xuất khẩu nông sản và được nhiều thị trường nước ngoài đánh giá cao. Tuy nhiên, 90% nông sản xuất khẩu vẫn ở dưới dạng thô nên giá trị xuất khẩu chưa cao.

Ngoài nguyên nhân đa số sản phẩm nông sản ở dạng thô thì theo các chuyên gia đầu ngành lĩnh vực nông nghiệp, các nguyên nhân khác khiến thương hiệu nông sản Việt chưa đạt giá trị cao trên thị trường thế giới là nhiều địa phương và doanh nghiệp chưa thấy rõ được tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu sản phẩm. Các doanh nghiệp cũng không chú trọng đầu tư vào nông nghiệp, do phải đối mặt với nhiều rủi ro như thiên tai, dịch bệnh, giá cả thị trường, vốn...

Hàng nông sản của Việt Nam còn chịu nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh khó kiểm soát. Khoa học kỹ thuật còn lạc hậu, thiếu sự đầu tư cho công tác tiếp thị, nghiên cứu thị trường… cũng là những yếu tố cản trở chiến lược xây dựng thương hiệu nông sản Việt.

Bên cạnh đó, các chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam tuy có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng việc đăng ký và bảo hộ ở nước ngoài còn nhiều hạn chế, vướng mắc do thiếu đầu tư kinh phí. Ngoài ra, chiến lược xây dựng phát triển bền vững ở thị trường nước ngoài cũng gần như bị bỏ ngỏ. Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được khai thác và giám sát lỏng lẻo khiến cho nạn nhái các chỉ dẫn địa lý diễn ra ở nhiều nơi.

Nhu cầu sử dụng dấu hiệu chỉ dẫn địa lý của người dân, doanh nghiệp trong nước còn hạn chế do quy mô sản xuất nhỏ và hoạt động thương mại theo phương thức truyền thống nên chưa hình thành các chuỗi cung ứng khép kín và đảm bảo tiêu chuẩn đặt hàng của đối tác. Do đó, chỉ dẫn địa lý hiện chưa trở thành dấu hiệu thương mại phổ biến trên thị trường kể cả trong và ngoài nước.

Chính vì những yếu tố trên mà hiện tại, việc xây dựng thương hiệu nông sản của Việt Nam mới dừng ở mức khuyến khích.

Theo đánh giá của Công ty tư vấn chiến lược và đánh giá thương hiệu Brand Finance của Anh, trong 2 năm qua, giá trị thương hiệu của Việt Nam đã giảm tới 19%, so với năm 2014 được định giá là 172 tỉ USD thì năm 2015 chỉ còn 140 tỉ USD. Việt Nam chỉ xếp hạng trên Campuchia về giá trị thương hiệu. Sản phẩm nông sản Việt Nam chưa có nhiều thương hiệu trên thị trường thế giới, việc liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn hạn chế, khả năng cạnh tranh thấp. Đây vừa là những hạn chế, vừa là thách thức đối với nền nông nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập kinh tế ngày càng sâu, rộng.

Theo đó, để nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản Việt Nam trong xu thế hội nhập và ký kết nhiều Hiệp định tự do thương mại như hiện nay, các chuyên gia đề xuất cần lựa chọn một số mặt hàng có thế mạnh để xây dựng thương hiệu, trong đó các mặt hàng này phải đảm bảo đáp ứng được các yếu tố chính như: khối lượng đủ lớn và ổn định, chất lượng đồng đều, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giá bán cạnh tranh.

Để nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản mang thương hiệu Việt tại thị trường trong nước và xuất khẩu, các doanh nghiệp phải thực hiện đồng bộ các khâu từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, đặc biệt là kiểm soát nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, xây dựng được hình ảnh thương hiệu thông qua việc quảng bá nông sản, phát triển hệ thống phân phối ở các cửa hàng để giới thiệu sản phẩm tới tay người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp cần liên kết lại với nhau để đầu tư khoa học - công nghệ từng bước hạn chế xuất khẩu thô, chuyển dần sang chế biến tinh nhằm nâng cao giá trị sản phẩm…

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp trong đăng ký bảo hộ, chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm nông sản để nâng cao giá trị sản phẩm và tạo sức cạnh tranh ở thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn ưu đãi để mua sắm máy móc, trang thiết bị đầu tư khoa học nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm…

Thời gian tới, trong khuôn khổ của Chương trình thương hiệu quốc gia, Bộ Công Thương cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan nghiên cứu để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông sản, đăng ký bảo hộ, chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm nông sản.

"Riêng với nông sản, việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý có giá trị hết sức to lớn. Đây là một đặc thù giúp cho các sản phẩm của Việt Nam khẳng định được thương hiệu của mình tại thị trường trong nước và thế giới", Bộ Công Thương đánh giá.

Theo Tuyết Nhung

Một thế giới
Bài đăng trước: 

Trung Quốc giảm mua, heo mất giá ngay mùa cao điểm

Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2016

Trung Quốc giảm mua, heo mất giá ngay mùa cao điểm

Hiện nay là đang vào cao điểm thu mua heo chuẩn bị cho dịp tết cả ở Việt Nam và Trung Quốc, nhưng giá heo vẫn sụt giảm nghiêm trọng.



Heo nuôi ở Việt Nam nhưng giá cả đầu ra lại phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc; giá heo hơi bán nội địa cao hơn giá bán cho thương lái nước láng giềng... nghịch lý người tiêu dùng trong nước phải ăn thịt heo đắt hơn mức giá thật vẫn đang tiếp diễn.

Giá heo hơi trong nước đang giảm sâu làm người chăn nuôi lỗ nặng. Điều bất thường hiện nay là đang vào cao điểm thu mua heo chuẩn bị cho dịp tết cả ở Việt Nam và Trung Quốc, nhưng giá heo vẫn sụt giảm nghiêm trọng. Mức giá hiện nay thấp hơn mức giá đỉnh giữa tháng 5 từ 20.000 - 21.000 đồng/kg.

Giá heo luôn biến động

Chị Nguyễn Thị Liên, chủ trại chăn nuôi heo ở xã Gia Kiệm (Thống Nhất, Đồng Nai), thở dài cho biết: mấy hôm trước chị buộc lòng phải cho xuất chuồng gần 100 con heo thịt, chịu lỗ hơn 40 triệu đồng. Giá heo đang rớt thê thảm nhưng vẫn phải bán vì càng nuôi càng lỗ. Từ đây đến tết còn đến mấy đàn tới lứa cần phải xuất chuồng nhưng giá heo hơi hiện chỉ còn 33.000 đồng/kg. Với giá này, cứ một con heo xuất chuồng người chăn nuôi lỗ ít nhất 400.000 đồng. Đối với các trang trại lớn, tình hình càng khó khăn hơn.

Ông Nguyễn Văn Chiểu, xã Gia Tân 2 (H.Thống Nhất) đang nuôi khoảng 5.000 con heo, mỗi tháng xuất cho thị trường Trung Quốc và TP. HCM từ 400 - 500 con heo thịt nên mức lỗ đang gia tăng theo cấp số nhân. Theo ông Chiểu, giá heo giảm là do cung vượt cầu từ việc tăng đàn ở rất nhiều các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Vào một vài thời điểm trong năm, giá heo hơi tại Đồng Nai tăng rất cao, một số hộ chăn nuôi trúng giá thế là người chăn nuôi nhỏ lẻ tự phát tăng đàn. Một yếu tố quan trọng hơn là do phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. “Hiện nay mình chỉ xuất qua đường tiểu ngạch nên bên đó “nóng lạnh” một cái là ở đây mình đã “hắt hơi sổ mũi” rồi. Thời gian tới, nếu thị trường Trung Quốc không mua nữa thì không biết bán ở đâu cho hết đàn heo”, ông Chiểu lo lắng.

Không chỉ có người chăn nuôi mà ngay cả cánh thương lái địa phương cũng lắc đầu với kiểu làm ăn của thương lái Trung Quốc. Một thương lái xuất hàng đi Trung Quốc chia sẻ: Mấy đợt lấy hàng ở đây xong mang đến cửa khẩu thì heo rớt giá, khách không chịu nhận hàng đành phải bán lỗ. "Nhiều bà con gọi bắt heo mà chúng tôi không dám vì thị trường hiện nay bán rất chậm, chỉ nhỏ giọt. Mấy tuần gần đây phải tắt điện thoại vì bà con gọi nhiều quá" - người này than thở.

Chiều 8.12, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho hay heo hơi chủ yếu phục vụ thị trường trong nước và Trung Quốc. Thông thường vào thời điểm quý 3 dương lịch các đơn vị phải chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán nên heo hút hàng tăng giá. Nhưng năm nay so với thời điểm này năm ngoái giá đã giảm tới hơn 15.000 đồng/kg. Đây là điểm bất thường. “Có nhiều yếu tố khách quan như tình hình thời tiết bất thường gây nên tình trạng lũ lụt ở miền Trung, ảnh hưởng đến việc vận chuyển. Bây giờ Trung Quốc mua trở lại thì giá heo sẽ tăng lên ngay, còn không có thể giảm nữa. Hy vọng đến trước thời điểm Tết Nguyên đán thì nhu cầu tiêu thụ tăng cao, khả năng giá heo sẽ tăng lên”, ông Đoán nói.

Phân tích báo cáo hằng tháng của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) có thể thấy, giá heo hơi trong nước luôn biến động theo giá thu mua của thương lái Trung Quốc. Đỉnh điểm của sự tăng giá là vào đầu tháng 5.2016, giá tăng đến 53.000 - 54.000 đồng/kg, mức giá kỷ lục trong suốt 19 tháng trước đó. Mức giá này chỉ cầm cự được ít ngày đã đột ngột rớt khi bước vào nửa cuối tháng 5. Bước sang tháng 6, giá heo giảm đến 7.000 - 8.000 đồng/kg. Từ đây bắt đầu xu hướng giảm giá chung của nửa cuối năm 2016 và đến thời điểm hiện tại mức giá thấp nhất là 33.000 đồng/kg. Dù giá cả biến động ra sao thì nguyên nhân chỉ có một, đó là do thị trường Trung Quốc tăng hoặc giảm nhập.
Người Việt mua thịt giá cao
Nếu như lâu nay chúng ta chỉ biết đến câu chuyện người Việt Nam ăn gạo Việt đắt hơn giá gạo xuất khẩu thì hiện nay người Việt cũng mua thịt heo nuôi ở Việt Nam đắt hơn giá bán cho Trung Quốc.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, tổng đàn heo của địa phương này khoảng 1,7 triệu con, mỗi ngày xuất bán từ 4.000 - 5.000 con, thị trường Trung Quốc thu khoảng 1.500 - 2.000 con. Theo ông Đoán, giá heo đi Trung Quốc chỉ có 33.000 - 34.000 đồng/kg; heo đi TP. HCM giá 37.000 - 38.000 đồng/kg. Sự chênh lệch 3.000 - 4.000 đồng/kg giữa thị trường trong nước và xuất đi Trung Quốc cho thấy người tiêu dùng Việt Nam đang ăn thịt heo được nuôi ngay chính quê hương mình với giá đắt hơn xuất khẩu. Vào thời điểm tăng giá như hồi tháng 5 thì mức chênh lệch càng cao. Lý do, thương lái và doanh nghiệp trong nước phải chạy theo mức giá “bong bóng” mà thương lái Trung Quốc tranh mua nhằm có sản phẩm phục vụ thị trường.

Giải thích rõ hơn, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan, cho biết: do thương lái Trung Quốc "thổi" giá, tranh mua, muốn có hàng phục vụ thị trường công ty cũng buộc phải tăng giá thu mua. Chính vì vậy mà giá đến tay người tiêu dùng cũng là mức giá cao bất hợp lý. Thời điểm giá cao, thịt nạc đùi bán trên thị trường Việt Nam khoảng 80.000 đồng/kg, trong khi thịt ngoại cùng loại nhập khẩu từ các nước phát triển (phải chịu thuế 15%) giá tới tay người tiêu dùng cũng chỉ khoảng 60.000 đồng/kg. Vào thời điểm đó, ông Mười đã lên tiếng cảnh báo: “Đó chỉ là sự phồn vinh giả tạo, là bong bóng giá cả do thương lái Trung Quốc bơm thổi và đến một ngày nó sẽ nổ”.

Điều mà ông Mười cảnh báo ai cũng biết nhưng cuối cùng người chăn nuôi vẫn để sập bẫy. Cứ một chiêu mạnh tay gom hàng, tạo cầu ảo kích thích các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tăng đàn; đến ngày xuất chuồng, thương lái Trung Quốc giảm mua, giá giảm. Nếu không xuất chuồng sẽ bị quá lứa, tốn chi phí cho ăn. Càng nuôi càng tăng ký giá bán càng rẻ, lỗ nặng nên giá thấp cũng phải bán.

Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, giao thông, việc nhập khẩu lương thực, thực phẩm từ Việt Nam để phục vụ cho dân số đông đúc của Trung Quốc ở những khu vực biên giới sẽ có lợi hơn rất nhiều so với vận chuyển giữa các vùng khác nhau trong nội địa nước này. Vậy nên Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì chính sách biên giới một cách linh hoạt để hưởng lợi từ các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam. Nếu chúng ta không chủ động thay đổi dần luật chơi thì những bài học kiểu này sẽ còn lặp lại nhiều lần. Ngành nông nghiệp nên hoạch định chiến lược làm ăn bền vững, để người Việt không phải sử dụng sản phẩm mà dân mình làm ra đắt hơn mức giá xuất khẩu.
Chí Nhân - Tiểu Thiên

Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2016

GR5 2017 - Chiếc điện thoại dành cho giới trẻ

Mới ra mắt tuần qua với giá gần 6 triệu đồng, GR5 2017 có thể coi là “siêu phẩm” trong phân khúc tầm trung của Huawei với cấu hình vượt trội cũng như những trang bị sáng giá.

Giữa vô vàn các sản phẩm smartphone tầm trung đang tràn ngập thị trường, việc lựa chọn cho mình một chiếc điện thoại phù hợp nhất thời điểm này là một lựa chọn đáng cân nhắc. Vừa qua, Huawei đã tung ra smartphone GR5 2017 gây ấn tượng với trang bị camera kép lần đầu xuất hiện trên phân khúc tầm trung, nhưng giá bán chính hãng lại chỉ 5.990.000 đồng.
Bạn nữ xinh đẹp selfie với GR5 2017.
So với các đối thủ tầm trung phổ thông khác đang xuất hiện tràn lan với cấu hình, tính năng không có sự đột phá, GR5 2017 nổi lên như một đối thủ đáng gờm. Chiếc smartphone giá chưa tới 6 triệu này sở hữu loạt tiện ích độc đáo, phù hợp nhu cầu của những người dùng trẻ tuổi như camera kép, màn hình lớn, cảm biến vân tay siêu nhạy hay thiết kế kim loại sang trọng.
Thiết kế sang trọng và rất vừa tay.
Đối với mức giá gần 6 triệu đồng, GR5 2017 sở hữu màn hình 5,5 inch nhưng có độ phân giải đạt chuẩn Full HD, trong khi đa số các đối thủ khác chỉ dừng lại ở mức HD. Nhờ vậy, khả năng hiển thị của chiếc smartphone này vô cùng sắc nét, đem lại khả năng trình diễn những thước phim, những MV với màu sắc chân thực trên một khung hình kích thước lớn.
Màn hình hiển thị sắc nét, chân thực.
Tuy nhiên, camera mới là trang bị nổi trội nhất trên chiếc “siêu phẩm” tầm trung mới của Huawei. Bên cạnh camera chính độ phân giải 12 MP, GR5 2017 còn có thêm một camera phụ 2 MP, ứng dụng thuật toán phần mềm để tạo nên hiệu ứng “xóa phông” ảo diệu không thua kém bất kỳ chiếc máy ảnh chuyên nghiệp nào. Trước đây, trang bị này chỉ xuất hiện trên một số smartphone cao cấp như Huawei P9 hay iPhone 7 Plus.
Camera kép là trang bị đột phá nhất trên GR5 2017.
Hướng tới đối tượng người dùng trẻ, camera trước 8 MP cũng là một trang bị đáng chú ý trên chiếc GR5 2017. Với chế độ làm đẹp lên tới 10 cấp độ cùng tính năng “makeup” tự động, chủ nhân chiếc smartphone này sẽ luôn luôn xinh đẹp mà chả cần tới son phấn. Không dừng lại ở đó, camera selfie này còn có góc chụp rộng lên tới 78 độ, việc chụp ảnh tự sướng nhóm sẽ không là trở ngại.
Thiết kế thời thượng, cao cấp trong phân khúc smartphone tầm trung.
Thiết kế cũng là một điểm cộng ở chiếc GR5 2017 mới. Thay vì chất liệu nhựa nhàm chán, Huawei đã mạnh dạn ứng dụng kim loại cao cấp trên chiếc smartphone này, đem lại một vẻ ngoài không chỉ cứng cáp, bền bỉ mà còn mang đầy vẻ sang trọng. Với những lựa chọn màu sắc phổ biến như vàng, hồng và bạc trên một dáng vẻ mềm mại, không có chi tiết thừa, GR5 2017 là chiếc smartphone thời trang, dành riêng cho giới trẻ.
Nguồn: http://kenh14.vn/

Thứ Ba, 6 tháng 12, 2016

Giá vàng 5/12 lao dốc, giá USD tăng dựng đứng

(VTC News) - Giá vàng hôm nay 5/12 trên thị trường thế giới lao dốc trong khi giá USD tự do bất ngờ tăng dựng đứng.

Thị trường vàng và thị trường tiền tệ đang có nhiều biến động lớn. Trong khi giá vàng hôm nay 5/12 trên thị trường thế giới lao dốc, giá USD tự do bất ngờ tăng dựng đứng, tăng thêm 70 đồng/USD chiều mua vào và tăng 120 đồng/USD chiều bán ra.

Cụ thể, trên thị trường châu Âu, giá vàng thế giới đang giao dịch ở mức 1.164,8 USD/ounce sau khi giảm 12,3 USD/ounce. Như vậy, giá vàng thế giới một lần nữa rơi xuống “đáy” 10 tháng.
Trong khi đó, giá vàng tại thị trường Việt Nam “án binh bất động”. Đa số các cửa hàng kim hoàn chưa có sự điều chỉnh đáng kể nào dù giá vàng thế giới lao dốc. Cuối giờ chiều, giá vàng SJC vẫn dao động phổ biến ở mức: 36,10 triệu đồng/lượng (mua vào) – 36,35 triệu đồng/lượng (bán ra).

Giá vàng lao dốc, giá USD tăng dựng đứng 

Cụ thể, tại công ty vàng bạc đá quý Doji, sau khi tăng 100.000 đồng/lượng sáng nay, giá vàng SJC đứng im. Giá vàng SJC Hà Nội giao dịch ở mức: Mua vào 36,10 triệu đồng/lượng, bán ra 36,35 triệu đồng/lượng. Vàng SJC TP.HCM mua vào 36,05 triệu đồng/lượng, bán ra 36,30 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC đứng im khi giá vàng thế giới giảm sâu khiến khoảng cách giữa hai mức giá được nới rộng lên mức cao kỷ lục. Hiện tại, giá vàng trong nước đắt hơn giá thế giới khoảng 4,24 triệu đồng/lượng. Con số này sáng nay là 4 triệu đồng/lượng.
Giá vàng tại thị trường Việt Nam không biến động nhưng giá USD bất ngờ tăng vọt. Tỷ giá USD tăng dựng đứng và giao dịch ở mức: 23.120 đồng/USD (mua vào) – 23.220 đồng/USD (bán ra), tăng 70 đồng/USD chiều mua vào và 120 đồng/USD chiều bán ra so với sáng nay.
Như vậy, so với cuối ngày hôm qua, giá USD tự do đã tăng 70 đồng/USD chiều mua vào và tăng 140 đồng/USD chiều bán ra. Chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra rất thấp. Ở các cửa hàng khác nhau, giá giao dịch chênh lệch khoảng 10 USD.
Trên thị trường ngân hàng, giá USD cũng bứt phá nhưng tốc độ đi lên khiêm tốn hơn rất nhiều so với trên thị trường tự do. Mỗi USD tăng từ 10 đồng tới 40 đồng so với sáng hôm nay.
Tại Sacombank, tỷ giá giao dịch ở mức: 22.650 đồng/USD (mua vào) – 22.780 đồng (bán ra), giữ nguyên giá mua vào và tăng 40 đồng/USD chiều bán ra. Tại Eximbank, giá USD giao dịch ở mức: 22.670 đồng/USD – 22.760 đồng/USD, tăng 20 đồng/USD ở cả 2 chiều mua vào và bán ra.
Tỷ giá tại Vietcombank giao dịch ở mức: 22.665 đồng/USD – 22.745 đồng/USD, tăng 10 đồng/USD. Tại ngân hàng ACB, tỷ giá giao dịch ở mức: 22.670 đồng/USD (mua vào) – 22.760 đồng/USD (bán ra), tăng 10 đồng/USD.
Tỷ giá tại Techcombank được niêm yết mức: 22.640 đồng/USD – 22.750 đồng/USD, tăng 10 đồng/USD chiều mua vào và giữ nguyên giá bán ra. Tại VietinBank, tỷ giá giao dịch ở mức: 22.665 đồng/USD (mua vào) – 22.745 đồng (bán ra), tăng 10 đồng/USD ở cả 2 chiều mua vào và bán ra.
Tỷ giá trung tâm ngày 5/12 được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 22.118 đồng/USD. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước áp dụng cho ngày 5/12 là 22.300 đồng/USD – 22.732 đồng/USD.
Trả lời phỏng vấn phóng viên báo điện tử VTC News, TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng USD tăng giá là điều có thể dự báo trước được. Thứ nhất là do quan hệ cung cầu. Thông thường, cứ về cuối năm, nhu cầu ngoại tệ có xu hướng tăng mạnh.
Theo ông Long, dù Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ bán ra ngoại tệ để cân đối cung cầu nhưng thị trường cần thời gian để phản ứng với thông tin này.
Bên cạnh đó, theo ông Long, còn yếu tố quan trọng nữa tác động tới tỷ giá đó là dự báo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất USD trong đầu tháng 12 này. Đây là điều hầu như nhà kinh tế nào cũng nghĩ đến. Vì vậy, giá USD trên thị trường thế giới được tin sẽ tiếp tục “nóng”, từ đó gây áp lực tới giá USD trong nước.
Ông Long phân tích, khi tăng giá, USD sẽ tác động trực tiếp tới thị trường vàng. Cụ thể, giá vàng sẽ chịu áp lực từ sức nóng của đồng bạc xanh.
Lúc này, trên thị trường thế giới, giá USD đang tăng mạnh so với tất cả các đồng tiền trong rổ 6 đồng tiền mạnh là bảng Anh, yên Nhật, Franc Thụy Sĩ, đô la Australia và đô la Canada.